Những quyền lực cụ thể khác của chính quyền trung ương liên bang Luật_Hiến_pháp_Hoa_Kỳ

Xem thêm trong Khoản 8 của Hiến pháp Hoa Kỳ liệt kê những quyền lực cụ thể.

Quyền đánh thuế (taxing power)

Quốc hội Hoa Kỳ có thẩm quyền "đặt ra và thu những thứ thuế". Đây là một nguồn quyền lực độc lập của Quốc hội Liên bang, tương tự như quyền "quản lý thương mại liên bang" đã quy định trong Điều khoản Thương mại của Hiến pháp (Commerce Clause). Quốc hội có thể sử dụng quyền đánh thuế này để tác động lên những hành vi vượt ngoài những nguồn quyền lực độc lập khác của Quốc hội.

  1. Quản lý bằng luật thuế: Quốc hội có thể làm luật quản lý các hành vi qua hình thức các loại thuế, chỉ cần có tạo ra nguồn thu từ thuế liên quan đến các hành vi này.
  2. Giới hạn của quyền đánh thuế: Hiến pháp cũng đặt ra một số giới hạn cho quyền đánh thuế này như:
a. Các khoản trực thu: những khoản (thuế) thu trực tiếp bởi các địa phương đóng góp (tương tự như chỉ tiêu nộp ngân sách) phải được phân bổ xuống cho các địa phương (tiểu bang) phù hợp quy mô dân số. Khoản "thuế" này hiện nay không còn thu nữa.b. Thuế hải quan và thuế đánh lên hoạt động thương mại phải đồng nhất: các loại thuế này không thể có sự phân biệt hay ưu đãi riêng cho bất cứ địa phương nào.c. Miễn thuế xuất khẩu: mọi hoạt động xuất khẩu của mọi địa phương ra nước ngoài điều được miễn thuế xuất khẩu đánh lên hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Quyền chi tiêu (spending power)

Quốc hội Hoa Kỳ có thẩm quyền thu thuế nhằm mục đích "trả nợ và trang trải quốc phòng cùng các khoản chi phí phúc lợi của Hiệp Chủng Quốc." Đây là một quy định rõ ràng cụ thể về "quyền chi tiêu".

  1. Quyền lực độc lập: đây là một loại quyền lực độc lập, giống như quyền quản lý thương mại liên bang. Quốc hội Liên bang có thể đặt ra các khoản chi tiêu để đạt được những ích lợi ở mọi cấp độ từ trung ương đến địa phương, cho dù những ích lợi ấy vượt ngoài thẩm quyền của các quyền lực độc lập khác.
  2. Các điều kiện hưởng lợi: Quốc hội có quyền đặt ra các điều kiện khi sử dụng quyền chi tiêu của mình để áp đặt các đối tượng thụ hưởng phải có những hành vi thích hợp. Những điều kiện này có thể nhằm mục đích quản lý những hành vi liên đới khác. Ví dụ: Quốc hội có thể lập ra quỹ bảo trì đường cao tốc và áp đặt điều kiện về kết cấu đường bộ, giới hạn tốc độ.v.v. cho các địa phương nào muốn nhận tài trợ từ quỹ này, với mục đích "liên đới" là nhằm quản lý thống nhất các tiêu chuẩn xây dựng phát triển vận hành đường cao tốc trên toàn quốc. Những quy định này cũng nhằm khắc phục tình trạng "trên bảo dưới không nghe" nhưng vẫn được hưởng lợi vì thiếu các điều kiện ràng buộc. Sở dĩ Quốc hội có thể đặt ra các điều kiện này là vì Hiến pháp có quy định cho Quốc hội được phép sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đạt được các mục tiêu nằm trong thẩm quyền quản lý của mình (còn gọi là thẩm quyền Cần Thiết và Phù Hợp - Necessary and Proper Clause).

Khoản chi phí phúc lợi (general welfare)

Khi Quốc hội sử dụng quyền chi tiêu, thì các chi tiêu của Quốc hội phải có mục đích rõ ràng. Cụ thể đó là nhằm "trang trải... các khoản chi phí phúc lợi". Về mặt này, quy tắc về ngữ pháp được áp dụng cho thấy "các khoản chi phí phúc lợi" chỉ là bổ ngữ cho động từ "trang trải" (chi tiêu), và do đó việc "quản lý các chi phí phúc lợi nói chung" không thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Quốc hội chỉ được quản lý "các chi phí phúc lợi" do Quốc hội quyết định chi tiêu, và không được quản lý các loại hình phúc lợi khác mà Quốc hội không phân bổ ngân sách. Rõ ràng, Quốc hội không thể nhân danh "mang lại lợi ích hay phúc lợi chung" mà đặt ra các loại luật lệ vì đây không phải là một thẩm quyền độc lập của Quốc hội mà là thẩm quyền có điều kiện.

Quyền về chiến tranh, hiệp ước và quản lý ngoại giao

  1. Quyền tuyên chiến: Quốc hội Liên bang được Hiến pháp giao cho quyền tuyên chiến và để phục vụ mục đích này, Quốc hội cũng được giao cho quyền thu thuế để trang trải quốc phòng. Ngoài ra Quốc hội còn được trao quyền xây dựng và duy trì quân đội cũng như là hải quân. Tuy nhiên, quyền này có sự chia sẻ giữa Quốc hội và Tổng thống. Hiến pháp giao cho Tổng thống quyền thống lĩnh tối cao của lực lượng vũ trang. Thẩm quyền về chiến tranh của Quốc hội cũng được mở rộng sang quản lý những lãnh vực "hậu chiến" khi giao tranh đã kết thúc nhưng các yếu tố có liên quan đến chiến tranh trước đó vẫn còn tồn tại kéo dài.
  2. Quyền hiệp ước: đây cũng là một loại quyền được chia sẻ giữa Quốc hội Liên bang và Tổng thống. Tổng thống có thể ký kết hiệp ước với nước ngoài nhưng hiệp ước này phải được 2/3 phiếu ở Thượng viện (Senate) thông qua. Những hiệp ước quốc tế đã được phê chuẩn nếu có mâu thuẫn với các luật liên bang trước đó thì các hiệp ước quốc tế có hiệu lực cao hơn. Như thế, quyền chuẩn y (phê chuẩn) các hiệp ước do Tổng thống ký kết là một quyền lực độc lập của Quốc hội. Tuy nhiên, không một hiệp ước nào có thể xâm phạm các quyền đã được Hiến pháp bảo hộ hoặc cấm đoán. Tổng thống có thể ký kết "thỏa thuận hành pháp" với nước ngoài mà không thông qua Quốc hội, việc này tuy Hiến pháp không cấm nhưng nếu các vấn đề thỏa thuận nằm trong phạm vi thẩm quyền của Tổng thống thì cũng có giá trị như hiệp ước, nhưng không được trái với luật hiện hành.
  3. Quản lý ngoại giao: là lãnh vực mà Hiến pháp không có sự phân chia rõ ràng giữa Quốc hội và Tổng thống. Tuy nhiên, Tòa tối cao Liên bang đã chấp nhận "nguyên tắc hiến pháp" thể hiện quyền quản lý ngoại giao thuộc về Quốc hội và Tổng thống mà không thuộc về địa phương.

Những quyền lực khác

Một danh sách tóm tắt các quyền lực khác của chính quyền liên bang (Quốc hội, Hành pháp, và Tòa án) xin xem ở phần "Quyền lực tổng quát của chính quyền liên bang" ở trên.